Hệ lụy Friedrich Paulus

Trận Stalingrad đánh dấu điểm ngoặt quan trọng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngọn triều thôn tính của Quốc xã vốn đã tràn qua phần lớn châu Âu từ biên giới châu Á dọc sông Volga và ở Bắc Phi gần đến sông Nile bây giờ bắt đầu rút xuống và sẽ chẳng bao giờ dâng lên nữa. Thời khoảng cho những cuộc tấn công sấm sét, với hàng nghìn xe tăng và máy bay gieo rắc kinh hoàng trên những đội hình quân địch và bắn phá họ tan tác, đã cáo chung. Đức không còn có thế chủ động được nữa.

Hitler đã có đề nghị với Stalin trao đổi Paulus với Iacov Dzugashvili (con trai của Stalin) nhưng Stalin bác bỏ. Sau chiến tranh Paulus đã ra làm nhân chứng trong Tòa án Nürnberg xử các lãnh tụ Phát xít Đức.

Thông tín viên chiến trường Heinz Schroeter đi theo Tập đoàn quân VI được tiếp cận với nhiều tài liệu của Bộ Tổng Tham mưu Đức và tư liệu của những cá nhân liên quan đến trận Stalingrad. Ông thoát thân được trước khi Paulus đầu hàng rồi được giao nhiệm vụ viết lịch sử chính thức của Tập đoàn quân VI tại Stalingrad, nhưng Paul Joseph Göbbels cấm ông công bố tư liệu đã tổng hợp. Sau chiến tranh, Schroeter thu thập lại bản thảo và tiếp tục nghiên cứu về trận đánh rồi vào năm 1958 cho xuất bản ở New York quyển sách có tựa đề Stalingrad.

Năm 1953, Paulus được thả. 2 năm sau đó, toàn bộ những tù binh Đức còn sống sót (chủ yếu là tù binh sau trận Stalingrad) cũng được phía Liên Xô cho hồi hương. Trong số 91.000 tù binh Đức, chỉ còn khoảng 6.000 người trở về nhà.

Paulus trở thành thanh tra cảnh sát tại Dresden, Cộng hòa Dân chủ Đức vào lúc cuối đời. Ông mất ngày 1 tháng 2 năm 1957 vì một căn bệnh thần kinh.